Anh Quốc luôn là thị trường lý tưởng mà các nhà đầu tư muốn vươn đến nhưng liệu chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu hiện nay của doanh nghiệp Việt có thực sự phù hợp với thị trường khó tính này?
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Anh bứt phá ngoạn mục sau Hiệp định UKVFTA
Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam đang nổi lên với tên gọi “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á với giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã chính thức có hiệu lực.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 1 năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Anh đã tăng 78.57% và chạm mức 657,35 triệu USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84.61% so với tháng 1/2020 và 56.51% so với tháng 12/2020.
Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh các nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cũng như kinh tế Anh sau Brexit. Tín hiệu tích cực này cho thấy Hiệp định thương mại Việt Nam – Anh quốc (UKVFTA) hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra các đòn bẩy kinh tế – thương mại song phương.
Đăng ký nhãn hiệu Việt tại Vương Quốc Anh chưa theo kịp tốc độ xuất khẩu?
Ông Bùi Đức Tuệ – Giám đốc điều hành Tập đoàn One IBC, nhà cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Vương Quốc Anh, chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp nỗ lực đưa thương hiệu Việt vươn đến thị trường Anh nhưng gặp phải một số rào cản và thách thức nhất định.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% từ 1.296 tấn (trị giá 1.295.000 USD) lên 3.396 tấn (trị giá 2.670.000 USD). Tuy nhiên, thị phần gạo mang thương hiệu Việt Nam tại Anh chỉ chiếm 0,43% năm 2019 và 0,45% năm 2020.
Hầu hết các sản phẩm gạo của Việt Nam đều mang thương hiệu nhà phân phối của Anh Quốc, hay như gạo ST25 tuy đạt giải thưởng gạo ngon nhất Thế giới năm 2019 nhưng rất ít người Anh biết đến.
Lý giải cho vấn đề này, One IBC Việt Nam cho rằng trong môi trường cạnh tranh có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu như Anh Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng của họ.
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài để vươn tầm thế giới
Chìa khóa để các doanh nghiệp Việt có thể khẳng định vị thế ở thị trường khó tính như Anh Quốc chính là việc triển khai một chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu có tính thực tiễn cao.
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài có thể xem như bước đi đầu tiên, quan trọng nhất của doanh nghiệp để đảm bảo thành công cho chiến lược.
Theo Tuổi trẻ