Anh là thị trường rộng lớn và có cơ hội cho nhiều hình thức và lĩnh vực kinh doanh. các doanh nghiệp Việt Nam cần chọn những lĩnh vực mà ta có thế mạnh và có khả năng tham gia. Đó là nhận định của ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, trong một cuộc trao đổi với NCĐT.
Quan hệ đầu tư và thương mại giữa Anh và Việt Nam trong năm qua, theo ông có điểm nào nổi bật?
Năm 2011, Hàng không Việt Nam đã mở đường bay trực tiếp London – Hà Nội và TP.HCM với 4 chuyến mỗi tuần. Đây một mặt là đầu tư lớn của một doanh nghiệp Việt Nam, mặt khác điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Anh, giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển. Sắp tới, một số ngân hàng của Việt Nam cũng có kế hoạch mở chi nhánh ở Anh. Đây là một tín hiệu tốt.
Tại Anh, những mặt hàng nào của Việt Nam nổi trội nhất, thưa ông?
Hàng năm, Anh nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 350 triệu bảng hàng may mặc và 345 triệu bảng giày dép, tiếp đến là đồ gỗ, nông hải sản, sản phẩm nhựa. Các mặt hàng nói trên đã có chỗ đứng khá vững chắc tại Anh. Giày dép, quần áo Made in Vietnam chiếm một tỉ lệ đáng kể dưới các thương hiệu Clark, Zara, Marks & Spencer, New Look…
Chế biến thực phẩm và nông hải sản Việt Nam cũng là những lĩnh vực có tiềm năng. Tuy nhiên, thực phẩm, nông hải sản Việt Nam hiện chỉ có ở một số siêu thị châu Á hay của người Việt mà hầu như không có tại các hệ thống siêu thị lớn người Anh quen dùng như Sainsbury’s, Tesco… Đây là một thị trường phân phối rất quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam nên khai thác.
Cần nhấn mạnh rằng nông sản, thực phẩm, sản phẩm nhựa và áo quần, giày dép có khả năng tăng trưởng cao nếu được quảng bá và tiếp thị tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mới như rau quả, hoa, thực phẩm tươi…
Có nghĩa là Việt Nam vẫn chỉ có cơ hội ở những mặt hàng truyền thống?
Doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác, liên kết sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử, hàng điện tử gia dụng, máy tính với doanh nghiệp Anh. Đó là những lĩnh vực cần nhiều lao động, yêu cầu tay nghề khéo léo mà chúng ta có thế mạnh và bạn có nhu cầu.
Các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo là thế mạnh của Anh, cũng là thế mạnh của Việt Nam, vì không cần vốn nhiều, mà cần nhiều chất xám. Anh cũng là một thị trường tiêu thụ lý tưởng cho các sản phẩm sáng tạo như thiết kế thời trang, phần mềm…
Ngược lại, chúng ta cần quan tâm hơn đến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Anh. Một lĩnh vực Anh có thế mạnh hàng đầu mà ta chưa thực sự chú ý tới là công nghệ môi trường và năng lượng tái tạo. Hóa chất, dược phẩm, chế biến thực phẩm, chế tạo cũng là những lĩnh vực cần thu hút đầu tư từ Anh, bên cạnh các lĩnh vực mà Anh đã vào Việt Nam như tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, quản lý và tư vấn bất động sản.
Du học sinh Việt Nam ở Anh có thể mang lại cơ hội giao thương không, thưa ông?
Hằng năm có hàng ngàn học sinh và sinh viên Việt Nam sang Anh du học. Tổng số du học sinh Việt Nam hiện nay vào khoảng 8.000 người. Nhu cầu dịch vụ giáo dục chất lượng của Việt Nam đang ngày một cao. Mảng dịch vụ tư vấn du học cũng sẽ là một lĩnh vực tiếp tục có sự phát triển ổn định. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng tăng, quá trình sàng lọc sẽ càng mạnh, chỉ những công ty đầu tư nghiêm túc, với mục tiêu dài hạn, xây dựng được uy tín với cả khách hàng Việt Nam và các cơ sở đào tạo của Anh thì mới có thể thành công. Một điểm quan trọng nữa là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình, giới thiệu cho học sinh và sinh viên những cơ sở đào tạo có chất lượng của Anh, giúp người Việt Nam tránh tiền mất, tật mang.
Việt Nam còn có cơ hội ở những ngành nào khác?
Du lịch là một ngành kinh tế hàng đầu của Anh với nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Tuy vậy, chúng tôi chưa thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đưa khách Việt Nam sang đây, có thể còn có một số khó khăn và hạn chế khách quan. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng đại diện, hoặc liên kết với các doanh nghiệp du lịch Anh trong thời gian tới, đặc biệt khi Hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển và tăng tần suất bay nối London với Hà Nội và TP.HCM.
Ngược lại, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với người dân Anh. Hằng năm, số khách Anh thăm Việt Nam là khoảng từ 130.000-145.000 người. Đây là con số đáng khích lệ, mặc dù còn thấp hơn rất nhiều so với con số du khách Anh tới một số điểm đến trong khu vực như Thái Lan. Tiềm năng phát triển của lĩnh vực còn rất lớn. Đây cũng là mảng thị trường các doanh nghiệp lữ hành và du lịch Việt Nam cần quan tâm đầu tư, mở rộng hoạt động.
Để thành công tại Anh, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những gì, thưa ông?
Nhìn chung, Anh là một trong những thị trường khó tính, luật lệ rõ ràng, nghiêm ngặt, có yêu cầu cao về chất lượng, khắt khe về các tiêu chuẩn môi trường, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, và cạnh tranh quốc tế rất mạnh. Để thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận thị trường một cách chuyên nghiệp và có kế hoạch dài hạn; không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, thân thiện với môi trường. Có quy trình kiểm soát và bảo đảm chất lượng ổn định, theo đúng các yêu cầu chất lượng, kiểm dịch, an toàn vệ sinh – dịch tễ, và các yêu cầu về sử dụng lao động và bảo vệ môi trường. Cần nghiên cứu thị trường và thị hiếu một cách bài bản, chủ động và tích cực. Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả công cụ marketing để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Họ cũng cần tiếp cận các kênh phân phối lớn của Anh, thông qua đó tạo dựng hình ảnh sản phẩm đối với người tiêu dùng; xây dựng và giữ quan hệ gắn bó với cộng đồng người Việt ở Anh để tạo dựng các cầu nối, các mối quan hệ làm ăn, cũng như mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam tại Anh.
Theo Cafe Land